[EN] Người đầu tiên chụp ảnh Đà Lạt xưa trên máy bay
Đó là ông Trần Văn Châu với bộ ảnh để lại là một nguồn tư liệu quý, là nhân chứng lịch sử lưu giữ hình hài “Đà Lạt xưa” cho hậu thế. Năm 1984, tình cờ nhìn thấy tấm ảnh “Đà Lạt 1960” chụp từ trên cao, tôi vô cùng thán phục tài nghệ người chụp ảnh.
Đó là ảnh đen trắng, chụp Trường Lycée Yersin (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), xa xa là Hồ Xuân Hương và đồi Cù thơ mộng, với những đường cong tuyệt mỹ.
Ảnh không đề tên tác giả, nhiều năm tôi dò hỏi nhiều người nhưng không ai biết. Dịp kỷ niệm 100 năm Đà Lạt (1893-1993) gặp nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông (làm nghề ảnh từ năm 1950) mới biết tác giả tấm ảnh ấy là ông Trần Văn Châu.
Tôi rất muốn gặp ông Châu để học hỏi “bí quyết” nghề nghiệp, nhưng ông đã ra nước ngoài cùng gia đình năm 1990
Đà Lạt nhìn từ trên máy bay vào những năm 60, thế kỷ trước. Ảnh Trần Văn Châu
Thật đáng tiếc! Tôi nghĩ rằng chẳng bao giờ được gặp ông nữa. Nhưng thật bất ngờ, tôi gặp nhà báo Nguyễn Hạnh (Tạp chí Xưa & Nay) lên Đà Lạt chuẩn bị triển lãm ảnh “Đà Lạt xưa” nhân kỷ niệm 115 năm Đà Lạt.
Trong bộ ảnh “Đà Lạt xưa” chủ yếu chụp từ năm 1960 về trước, có tới hơn 70% là ảnh của ông Trần Văn Châu. Tôi hỏi “đã xin phép tác giả chưa?”, anh bảo “rồi”, tôi tò mò hỏi “bằng cách nào?”, anh nói “đi với mình sẽ biết”.
Tối hôm ấy, bác Lê Phỉ (sinh năm 1927, là Nhà Đà Lạt học) đưa chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ nằm ở lưng đồi đường Đào Duy Từ.
Khi bác Lê Phỉ chỉ vào ông già tóc bạc, nói “đây là ông Trần Văn Châu – người Việt Nam đầu tiên chụp ảnh Đà Lạt xưa từ máy bay”, tôi vô cùng sửng sốt và vui mừng.
Nhiếp ảnh gia Trần Văn Châu. Ảnh Hà Hữu Nết
Cùng là “dân” nhiếp ảnh, nên ngay từ phút ấy chúng tôi chuyện trò như đã thân quen từ lâu. Bằng chất giọng “Bắc” trầm ấm, ông Châu tâm sự, năm 1935 lúc 12 tuổi đã cầm máy ảnh (chụp bằng kính) cho Hương Ký photo ở Hà Nội.
Nhờ năng khiếu và siêng học, nên từ thời học sinh, ông đã làm ra tiền nhờ chụp ảnh.
Năm 1942, ông vào Đà Lạt lập nghiệp, ban đầu trồng hoa, thiết kế sân vườn tiểu cảnh làm đẹp thành phố
Đà Lạt năm 1960. Ảnh Trần Văn Châu
Khi rảnh rỗi ông “mê” ảnh quên cả ăn và chụp rất nhiều về Đà Lạt. Ông thường chụp sương mù, bình minh, hoàng hôn, mây mưa, kiến trúc, thắng cảnh, rau hoa và con người Đà Lạt.
Ông bảo, mỗi thời khắc (sớm, trưa, chiều, tối) Đà Lạt có vẻ đẹp riêng và độc đáo. Chụp núi nên có mây vờn, chụp mây nên có rừng thông, xa xa là núi ảnh mới “bắt” mắt.
Không nơi nào đẹp như thành phố này. Ngày xưa, Đà Lạt hoang sơ, rất lạnh, ít nhà, thưa dân và thơ mộng lắm. Đà Lạt được ví như “Người đẹp Paris”.
Vẻ đẹp nguyên bản của hồ Xuân Hương vào giữa thế kỷ 20. Ảnh Trần Văn Châu
Một lần, đang lom khom chụp ảnh hồ Xuân Hương, ông giật mình nghe tiếng quát “Ê mày! Mai mốt nhớ tặng ảnh tớ, nếu không thì vào “tù” đấy!”. Té ra là một ông “Tây” cao to, mắt xanh da trắng, ngoại hình rất nghệ sĩ.
Ông “Tây” ấy là Phó Thị trưởng Đà Lạt, sau này “mê” ảnh ông như “điếu đổ”.
Khi đã thân tình, ông Tây mắng “Cậu ngốc lắm! Ảnh đẹp thế sao không làm Postcard (bưu ảnh) bán cho du khách?”.
Ông liền làm thư gửi các quầy sách, cửa hiệu mỹ phẩm và đã thành công bất ngờ. Du khách thập phương và công chúng Đà Lạt thường chọn mua “Bưu ảnh Trần Văn Châu” làm lưu niệm và gửi tặng bạn bè.
Trung tâm Đà Lạt năm 1960. Ảnh Trần Văn Châu
Để có ảnh lạ và độc đáo, ông leo lên các tháp chuông, nhà cao tầng, ngọn cây… để chụp toàn cảnh Đà Lạt, nhưng chỉ được một góc mà thôi.
Ông mơ một ngày nào đó được lên máy bay chụp ảnh cho thỏa chí tang bồng. Và dịp may ấy đã đến.
Năm 1960, ông làm quen, tặng ảnh tốp phi công trực thăng (đậu ở đồi Cù) mến ông và đã đồng ý.
Vào một ngày trời đẹp, ông chuẩn bị hai máy ảnh, nằm cuộn phim lên máy bay chụp ảnh, cảm giác vừa thích thú, vừa lo sợ.
Ông phải hét, phải ra hiệu cho phi công quần đảo nhiều vòng trên bầu trời Đà Lạt.
Lúc lên cao, khi sà thấp, lúc từ đông sang tây, từ nam lên bắc… ông chụp say mê hết phim lúc nào chẳng hay.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt năm 1960. Ảnh Trần Văn Châu
Khi tráng phim – rọi ảnh, người ông nổi “da gà” vì ảnh quá lạ và đẹp đến không ngờ. Những tấm ảnh Đà Lạt chụp từ máy bay, ông “trình làng” rất dè dặt, nhưng đã làm ngất ngây biết bao người.
Ông tâm sự: “Tôi rất mãn nguyện, bởi mọi nơi chốn Đà Lạt đã được tôi thu vào ống kính qua bao thăng trầm thời gian. Hơn 70 năm cầm máy, nhiều lần chạy loạn, nhiều thứ phải vứt bỏ, nhưng có một thứ tôi luôn đeo bên người đó là bao phim. Tôi coi phim, ảnh là tài sản vô giá, là đứa “con” tinh thần đặc biệt yêu qúy. Đến nay phim vẫn còn tốt, tôi đã “ken” vào máy tính và USB để lưu giữ lâu dài. Lần này, về dự triển lãm ảnh “Đà Lạt xưa”, thăm người thân, bạn bè… tôi hạnh phúc vô cùng!”.
Ông Trần Văn Châu có thể nói không chỉ là người đầu tiên, mà còn là người duy nhất chụp ảnh Đà Lạt từ máy bay ở Việt Nam cho đến nay. Ảnh Hà Hữu Nết
Ngày hôm sau, tôi cùng ông đi chụp “chuyên đề” về kiến trúc cổ Đà Lạt. Ông tâm sự, Đà Lạt phát triển nhanh quá, đẹp và khang trang lên nhiều, nhưng cũng “bê tông hóa” nhiều hơn.
Ông bảo, đã giao cho anh Trần Văn Hiệp (con trai đầu) lưu giữ toàn bộ kho phim và ảnh, để sau này in sách ảnh “Đà Lạt xưa” tặng “Thành phố Hoa – Đà Lạt”.
Dịp tết vừa rồi, tình cờ tôi gặp người thân của ông mới hay tin, ông đã qua đời ở nước ngoài do bạo bệnh. Tôi thật sự bàng hoàng nuối tiếc, như vừa mất đi một người ruột thịt.
Nhiếp ảnh gia Trần Văn Châu (quê Nam Định) là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người cuối cùng chụp ảnh “Đà Lạt xưa” từ máy bay.
Tôi rất kính trọng, quý mến tài năng và tấm lòng của ông. Bài viết này, như nén hương thơm tưởng nhớ đến ông nơi xa ngái.
Tuy ông đã đi xa, nhưng bộ ảnh ông để lại, là nguồn tư liệu quý, là nhân chứng lịch sử lưu giữ hình hài “Đà Lạt xưa” cho hậu thế.
Nhớ lại, lần gặp ông duy nhất ấy, tôi đã học được ở ông nhiều điều, chụp tặng ông mười kiểu ảnh, lúc uống cà phê ông bảo: “Mong mọi người xây dựng Đà Lạt ngày càng đẹp hơn, xứng tầm là thành phố du lịch nổi tiếng thế giới!”.
Nguồn: dulichdalat.pro